day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Xã Tiên Phú - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ

Địa chỉ: Khu 5 - Xã Tiên Phú - Huyện Phù Ninh - Tỉnh Phú Thọ
Điện thoại (0210)3.910.321
Email: tienphu.ubphuninh@phutho.gov.vn

Đặc điểm tình hình

Tiên Phú là xã miền núi phía bắc của huyện Phù Ninh, cách trung tâm huyện 15km. Có địa giới hành chính:
– Phía Bắc giáp xã Trạm Thản của huyện Phù Ninh.
– Phía Đông giáp xã Hà Lộc của Thị xã Phú Thọ; giáp xã Khải Xuân của huyện Thanh Ba.
– Phía Tây giáp với xã Trung Giáp, Liên Hoa của huyện Phù Ninh.
– Phía Nam giáp xã Phú Hộ của thị xã Phú Thọ
– Tổng diện tích tự nhiên 1022.28 ha. Gồm có 12 khu dân cư. Dân số toàn xã 5.529 người (theo số liệu tính đến 31/19/2023).

Lịch sử hình thành

Đầu thế kỷ XIX, Tiên Phú là một trong 5 xã thuộc tổng Khải Xuân, huyện Phù Ninh, phủ Tam Đới. Về địa giới hành chính của xã Tiên Phú khi này, “Đông giáp xã Trung Hoàng bản huyện. Tây giáp xã Khải Xuân bản tổng. Nam giáp xã Hà Lộc bản tổng; thôn Phú Hộ xã Ngọc Tháp huyện Sơn Vi. Bắc giáp các xã Thái Bình, Phù Lão bản huyện”.

Năm Tự Đức thứ 5 (1852), tổng Khải Xuân cắt sang huyện Sơn Vi. Xã Tiên Phú thuộc tổng Khải Xuân cắt sang huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 đổi gọi là tỉnh Sơn Tây ).

Năm 1891, tách huyện Sơn Vi sang tỉnh Hưng Hóa (mới). Năm 1903, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển tỉnh lỵ Hưng Hóa lên làng Phú Thọ (thuộc phủ Lâm Thao), tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Năm 1919, thực dân Pháp đổi tên huyện Sơn Vi thành phủ Lâm Thao, xã Tiên Phú thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Xã Tiên Phú gồm 2 thôn Ngọc Nhi, Thúy Vi, chia thành 9 xóm là: Xóm Vai, xóm Hu, xóm Nưa, xóm Diềm, xóm Đặng, xóm Cả, xóm Lồ, xóm Lô Than và xóm Chùa Tà. Năm 1946, các làng (xã) Tiên Phú, Nậu Phú, Phú Hộ, đồn điền Phú Hộ, làng Ngai, làng Bằng, làng Xuân Dục, làng Long Ân hợp nhất thành xã Phú Xuân. Năm 1948, lại cho tách 3 làng Tiên Phú, Nậu Phú và Phú Hộ thành xã mới, gọi là xã Nhuận Chi. Năm 1953, làng Tiên Phú được tách ra thành lập xã riêng, thuộc Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về thông qua đề án sáp nhập khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, xã Tiên Phú đã tiến hành sáp nhập 8 khu dân cư thành 4 khu dân cư mới. Cụ thể: sáp nhập khu 4 và khu 5 thành khu 4, sáp nhập khu 6 và khu 7 thành khu 6, sáp nhập khu 12 và khu 13 thành khu 12, sáp nhập khu 9 và khu 16 thành khu 9. Sau sáp nhập, xã Tiên Phú còn lại 12 khu dân cư, duy trì ổn định đến hiện nay.

Điều kiện tự nhiên

Theo thống kê năm 2023, xã Tiên Phú có diện tích 1022,28ha, trong đó đất nông nghiệp có 863,08ha, đất phi nông nghiệp là 148,64ha, còn lại là đất chưa sử dụng.

Tiên Phú có địa hình khá phức tạp, mang đầy đủ đặc trưng của miền trung du Phú Thọ. Trên địa bàn xã có nhiều gò đồi, xen kẽ giữa là những thửa ruộng bậc thang. Đồi núi ở đây phần lớn là đồi, gò cao, có độ dốc trung bình 25- 30°, trừ một số đồi, núi có độ cao từ 80 – 110m so với mực nước biển như núi Kiêu. Đất đồi ở Tiên Phú thuộc đất feralit đỏ và vàng có lẫn sỏi nhỏ, thường xuyên bị mưa lũ rửa trôi bạc màu, độ dinh dưỡng thấp. Diện tích đất đai tương đối rộng nhưng chủ yếu là gò đồi chiếm khoảng 70%, rất thích hợp cho việc trồng trọt các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây nguyên liệu giấy, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao như sơn, chè, nhãn, vải…

Từ lâu, nhân dân xã Tiên Phú đã có tập quán trồng và chế biến chè búp tươi – một loại đồ uống rất thông dụng. Do đặc điểm chất đất nên sản phẩm chè sấy khô của Tiên Phú có hương thơm, vị đượm, nước xanh, dùng làm đồ uống rất ngon, được nhiều khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trước kia do các loại đồ uống còn hạn chế thì việc dùng các sản phẩm của chè như búp sấy khô, lá tươi, nụ hoa… đã trở thành phổ biến của nhiều người dân Việt Nam nói chung, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện, Tiên Phú trồng rất nhiều chè, góp phần không nhỏ vào thu nhập chung của hợp tác xã. Trong những năm gần đây, do nền kinh tế của nước ta có sự chuyển biến nhanh theo cơ chế thị trường, nhiều ngành nghề được mở mang, trong đó nghề trồng chè ở Tiên Phú từng bước được khôi phục và phát triển. Đến năm 2023, toàn xã có 149ha chè, trong đó có 100% diện tích đã cho thu hoạch sản phẩm. Mỗi năm, nhân dân toàn xã có thể thu hái được 1.800 tấn chè búp tươi. Sản phẩm chè đã đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã. Hiện nay, cây chè là một trong những thế mạnh đang được cấp ủy và chính quyền Tiên Phú khuyến khích đầu tư phát triển.
Ngoài cây chè đóng vai trò chủ lực, nhân dân Tiên Phú còn trồng nhiều loại cây khác như cây sơn, trẩu, sở, cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả… Dựa vào tiềm năng đất đai sẵn có, một số gia đình nông dân trong xã đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển trang trại trồng cây có giá trị kinh tế cao như vải, nhãn, xoài, thanh long, bưởi… đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân trong xã.

Nghề nông là nghề chính nhưng ruộng đất ở Tiên Phú rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên toàn xã. Đó là những cánh đồng nhỏ hẹp, những thửa ruộng dộc chạy dọc theo thung lũng các sườn đồi, gò và một số thửa ruộng bậc thang. Ruộng canh tác ở đây không có sông ngòi bồi đắp phù sa; mỗi khi mưa lũ, đất cát từ trên các đồi, gò xô xuống, do đó việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai bạc màu, độ chua cao, ít dinh dưỡng, năng suất lúa rất thấp, khoảng 30-40 kg/sào.

Tuy cách trung tâm huyện lỵ 15 km về phía Bắc, cách thị xã Phú Thọ 10km về phía Đông Bắc, không gần thị trấn và các khu dân cư đông đúc nhưng có lợi thế là Quốc lộ 2 chạy qua (khoảng 4 km) từ cầu Quan giáp xã Phú Hộ ngược lên đến xã Trạm Thản nên Tiên Phú có thuận lợi về giao thông đường bộ. Do có đường giao thông thuận lợi nên ngoài làm ruộng là chính, nhân dân Tiên Phú còn sớm phát triển một số nghề phụ như nghề mộc, nề, rèn, làm bánh, làm bún… và buôn bán nhỏ, góp phần cải thiện đời sống.

Xã có khoảng 20% dân số theo Đạo Phật, 171 hộ với 925 người theo Công giáo. Công giáo được du nhập vào địa phương khoảng năm 1930. Đến năm 1939, một nhà thờ được xây dựng ở xóm Nưa để bà con có nơi hành lễ.